Quan Hoàng Bắc Quốc, còn được biết đến với tên gọi Ông Hoàng Bát Quốc, là một nhân vật lịch sử được tôn thờ trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Vị thần này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng lại có công lao to lớn trong việc bảo vệ vùng đất biên ải phía Bắc nước ta. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lai lịch, sự tích và đền thờ của Quan Hoàng Bắc Quốc.
Quan Hoàng Bắc Quốc là ai?
Theo truyền thuyết dân gian, Quan Hoàng Bắc Quốc vốn là một vị tướng người Tống (Trung Quốc) đã quy thuận nước Việt. Ngài được biết đến với công lao lãnh đạo quân đội chống lại quân Thanh xâm lược từ phương Bắc, bảo vệ vùng đất Bảo Hà thuộc Lào Cai ngày nay. Xem thêm: Đền Ông Hoàng Bảy Lào Cai

Các văn bản cổ còn lưu truyền cho biết, ngài vốn là tướng nhà Minh. Khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, không thể chống cự lại sức mạnh của quân Thanh, ngài đã chạy sang đất Nam Việt (Việt Nam). Tại đây, ngài tiếp tục theo phong trào “phản Thanh phục Minh”, quy thuận triều đình Việt Nam và giúp chống lại các cuộc xâm lược của nhà Thanh tại vùng biên ải Bảo Hà, Lào Cai.
“Đền thờ bát ngát bao la
Thỉnh mời Quan Bát Quốc ngà lục châu
Quản cai Thổ Mán sơn đầu
Sai quân đôn bộ đông hầu dạo chơi”
Không chỉ là một vị tướng tài ba trong chiến trận, sau khi hòa bình lập lại, Quan Hoàng Bắc Quốc còn dạy người dân trồng hoa màu, nuôi gia súc để cải thiện đời sống. Công lao này khiến ngài được nhân dân tôn kính và phụng thờ như một vị thần bảo hộ cho việc làm ăn, buôn bán.
Một truyền thuyết khác lại cho rằng Quan Hoàng Bắc Quốc là một thầy thuốc giỏi gốc Trung Hoa, tinh thông cả thuốc Bắc lẫn thuốc Nam. Ngài đã mang thuốc và chế thuốc giúp người dân vùng Suối Mỡ, Bắc Lạng, nên được nhân dân tôn thờ. Đến nay, tại đền thờ ngài vẫn còn lưu giữ hai cây thuốc được xem là vật chứng về công lao của ngài.
Vị trí của Quan Hoàng Bắc Quốc trong tín ngưỡng Tứ Phủ
Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc Quan Hoàng Bắc Quốc có thuộc hệ thống thần linh Tứ Phủ hay không. Một số ý kiến cho rằng dù ngài có công với Việt Nam nhưng vì là người gốc Trung Quốc nên chỉ nên thờ như một vị thần bản cảnh, không nên đặt ngang hàng với Tứ Phủ Thánh Hoàng.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng việc đưa Quan Hoàng Bắc Quốc vào hệ thống thần linh Tứ Phủ là hợp lý vì những lý do sau:
- Dù ngài mang gốc Trung Hoa, nhưng đây là trường hợp tương đồng với Tứ Vị Vua Bà nhà Tống đã có công với đất Việt nên được thờ cúng tại Việt Nam. Điều này thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” không phân biệt xuất thân, gia thế.
- Trong hệ thống thần linh Tứ Phủ rộng lớn, các vị thần được phân chia, sắp xếp để đại diện cho các vị thánh khắp mọi vùng miền. Quan Hoàng Bắc Quốc có thể xem là đại diện cho những vị “tuy không xuất thân là người Việt, nhưng đều có công âm phù cho dân nước Việt”.
Hầu giá và nghi lễ thờ cúng Quan Hoàng Bắc Quốc
Trong các buổi hầu đồng, Quan Hoàng Bắc Quốc thường giáng về trong trang phục đặc trưng của người Trung Hoa: áo vét kiểu Tàu, áo dài Tàu (áo sườn xám) và buộc tóc kiểu nhà Thanh. Sau khi dâng hương làm lễ khai cuông, ngài thường múa quạt, ngâm thơ Tàu và uống trà. Đặc biệt, đôi khi ngài còn nói tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Quan Thoại, thể hiện nguồn gốc của mình.
Nghi lễ thờ cúng Quan Hoàng Bắc Quốc thường bao gồm các bước như dâng hương, khai quang, cầm quạt dạo chơi và mời sơi trà. Trong các bản văn khấn, người ta thường ca ngợi công lao của ngài trong việc bảo vệ vùng biên ải và giúp đỡ người dân:
“Anh linh khắp bốn phương trời
Quan Hoàng Bát Quốc qua chơi nam thành
Đem quân dẹp giặc Nhà Thanh
Các ngôi Thổ Mán phục trình phải theo”
Đền thờ Quan Hoàng Bắc Quốc
Đền thờ Quan Hoàng Bắc Quốc nằm trong khu di tích Suối Mỡ, thuộc thôn Dùm, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang – cũng là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn và có dòng thác Suối Mỡ nổi tiếng. Xem thêm: Sự tích Cậu Bé Lệch

Theo lời kể của người dân địa phương, ban đầu đền thờ Quan Hoàng Bắc Quốc chỉ là một miếu nhỏ giữa rừng núi âm u. Theo thời gian, người dân đã cùng nhau xây dựng lại ngôi đền trên nền miếu cũ, tạo nên một công trình khang trang và đẹp đẽ hơn nhiều so với trước đây.
Kiến trúc hiện tại của đền theo kiểu 9 gian hình chữ đinh, với gian chính cung đặt tượng thờ Quan Hoàng Bắc Quốc. Ngoài ra, tại các gian khác còn thờ nhiều vị thần linh khác trong hệ thống Tứ Phủ như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị tôn quan, Cung Sơn Trang, Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười và nhiều vị khác.
Lễ hội và khánh tiệc Quan Hoàng Bắc Quốc
Khánh tiệv đền Quan Hoàng Bắc Quốc được tổ chức trùng với lễ hội đền Suối Mỡ vào ngày 30 tháng 3 và mùng 1 tháng 4 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để người dân địa phương và khách thập phương về dâng hương, cầu may và tưởng nhớ công đức của ngài.
Khi đến tham quan khu di tích Suối Mỡ, du khách thường đi theo hành trình từ đền thượng, đền hạ, đền trung dọc khu vực thác Suối Mỡ, rồi đến đền thờ Quan Hoàng Bắc Quốc. Tại đây, sau khi dâng hương cúng lễ, du khách có thể nghỉ ngơi trong khuôn viên sân đền để tận hưởng không khí mát lành, thanh bình và linh thiêng của ngôi đền.
Thảo luận về chủ đề