Từ xưa đến nay, đền, chùa luôn có một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là tâm lý đã tồn tại từ rất lâu, và tục lệ đi đền chùa vào các dịp ngày lễ tết, hay tuần rằm, mồng một đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đại bộ phận người dân Việt.
Nét văn hóa có từ ngàn năm
Hệ thống đền, chùa ở nước ta nằm rải rác khắp ba miền Bắc, Trung, Nam với nhiều sắc thái, dấu ấn bản địa và cấp độ tín ngưỡng khác nhau. Từ ngàn năm trước, vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội). Một trong những yếu tố để vua Lý Thái Tổ chọn Thăng Long chính là yếu tố tâm linh phù trợ, ngăn chặn tà khí, điều xấu cho kinh đô, khai mở đất tốt, vận lành và sinh ra nhiều người mệnh lớn, tài giỏi. Vùng núi hữu Bạch Hổ của kinh thành Thăng Long trải dài các dãy núi chùa Hương, núi Tản Viên, núi chùa Thầy, chùa Trầm… Nơi đây, Đức Phật Quan Thế Âm, Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Từ Đạo Hạnh… về trụ vững, phát toả linh khí hồn thiêng nước Việt, tạo thế bền vững “địa linh nhân kiệt” bao quanh kinh thành Thăng Long – Hà Nội…
Ngày nay, đến Hà Nội, du khách không thể không đến đền Ngọc Sơn, ngôi đền nổi tiếng là đẹp với cầu Thê Húc, tháp Bút non nghiên cùng sự linh thiêng của Văn Xương Đế Quân và Đức thánh Trần. Từ lâu, nơi đây không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn là nơi cầu nguyện tâm linh của những người dân Thủ đô cũng như du khách thập phương, kể cả khách quốc tế.
Ngược lên Phú Thọ là quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: “Nam Việt triều tổ” (tổ tiên của Việt Nam). Lễ hội đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Lễ hội đền Hùng hiện được Nhà nước nâng lên thành Quốc giỗ, được tổ chức quy mô lớn vào những năm chẵn.
Còn đền Trần (Nam Định) là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Xuống đến Yên Tử (Quảng Ninh) – kinh đô Phật giáo một thời, nơi đức vua Trần Nhân Tông cùng thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang, các anh hùng giải phóng, đánh tan giặc Nguyên – Mông tàn bạo, đức Vua bỏ ngai vàng và mọi hư danh quyền lợi về tu hành…
Ngoài người Kinh, một số dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam cũng có chùa. Chùa người Mường làm bằng tranh tre đơn giản. Chùa người Khmer được xây dựng đẹp, có bộ mái biểu hiện ảnh hưởng Campuchia và Thái Lan. Chùa người Hoa cũng có sắc thái kiến trúc riêng… Riêng chùa Khmer Nam Bộ, ngoài chức năng thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, còn là một trung tâm sinh hoạt văn hoá-xã hội của từng cộng đồng phum, sóc Khmer. Chùa Khmer là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị, góp phần làm phong phú kho tàng văn hoá của dân tộc. Còn người dân tộc Chăm có những ngôi đền tháp thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng rất độc đáo, trải dài trên các tỉnh miền Trung, Nam Trung bộ (Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Phan Thiết…). Theo tiếng Chăm, các đền tháp này được gọi là kalan, nghĩa là “lăng”. Các lăng này được các đời vua Chăm xây dựng để thờ cúng các vị thần và ngày nay là nơi để bà con dân tộc Chăm cử hành những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.
Đến đền, chùa cầu an
Với người Việt Nam, đền, chùa không đơn thuần chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi thờ cúng những vị thần thánh trong truyền thuyết dân gian, những Anh hùng trong lịch sử có công với đất nước, có ơn với nhân dân như: Thánh Gióng, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Ngoài ra, nơi đây cũng được coi là nơi linh hồn người đã khuất an nghỉ, siêu thoát. Vì là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần vô giá nên đền, chùa, miếu mạo thường là những nơi người dân Việt coi là nơi cầu an, nơi che chở về đời sống tinh thần.
Đại đức Thích Chánh Thuần (Học viện Phật giáo Việt Nam) cho biết: Người dân Việt đến với đền, chùa với nhiều mục đích khác nhau, cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho mọi người trong gia đình. Cũng có những người đến đây chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nói chung, khi đến đền, chùa mọi người đều mang theo tấm lòng thành kính, từ đó họ tìm được đến với đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn.
Còn Đại Đức Thích Minh Tri (chùa Hương) khuyên các phật tử khi đi lễ chùa nên giảm thiểu nhiều thứ: “Mọi người khi đi lễ Phật chỉ cần thanh bông hoa quả nhẹ nhàng, không nên mang theo tất cả những gì phải mang đi, rồi thải ra bừa bãi khắp nơi đủ mọi thứ vỏ hộp, giấy báo, túi nilon… làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường cảnh quan chùa”
Sư thầy cũng khuyên các phật tử đầu năm khi đến chùa nếu có sử dụng tiền lẻ để lễ Phật, cúng dường, tiền giọt dầu để cầu may, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc… thì nên bỏ vào hòm công đức chứ đừng rải tiền khắp mọi nơi. Những đồng tiền rơi vãi đặt không đúng chỗ, không chỉ làm mất đi cảnh quan nơi cửa Phật mà còn làm xấu đi hình ảnh đồng tiền vốn được coi là một thương hiệu quốc gia.
Lễ hội hay đi viếng cảnh chùa đầu năm vốn là tập tục đẹp mang đậm nét tâm linh của người Việt. Đi lễ đền, chùa không chỉ giúp cho người dân Việt giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới cái thiện, tạo dựng niềm tin giữa con người trong xã hội đang ngày một trở nên bon chen, xô bồ.
Chùa là nơi thờ Phật, ít nhiều có ảnh hưởng văn hóa Phật giáo đến từ Ấn Độ, Trung Hoa. Đền là nơi thờ thần linh hay một người nào đó được nhân dân trong vùng tôn thờ (có thể là thiên thần, nhiên thần, địa thần, nhân thần…). Đền, chùa đã thực sự đi vào truyền thống văn hóa, đi vào tâm linh của dân tộc.
Nguồn: hatvan.vn
Thảo luận về chủ đề